Thách thức phát triển bền vững ngành dệt may
Dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Viêt Nam, đóng góp tới 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm 12%. Với hơn 7.000 nhà máy trên toàn quốc và sử dụng gần 3 triệu lao động, ngành này không chỉ quan trọng về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, ngành dệt may tác động mạnh đến môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên nước, xả thải các chất gây ô nhiễm, sử dụng nhiều năng lượng và đa dạng nhiên liệu như điện, than, dầu… để gia nhiệt trong sản xuất.
Ngoài ra, với thế mạnh là ngành mang lại doanh thu lớn, xuất khẩu nhiều, nhưng cho tới nay Việt Nam chưa thu hút được các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng lớn mà chủ yếu dừng ở nhập khẩu nguyên vật liệu và gia công xuất khẩu. Việt Nam chứng kiến một sự dịch chuyển lớn của các DN dệt may từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông sang Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển tự nhiên này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam nói chung và cho ngành dệt may, ngành ngân hàng nói riêng. Nhưng nếu Việt Nam nhìn nhận việc dịch chuyển này là nguy cơ, cần ngăn chặn thì chúng ta cũng để tuột mất những cơ hội thay đổi ngành theo hướng xanh, sạch hơn.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, thông qua ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là FTA mới ký kết giữa EU và Việt Nam, cho thấy việc nắm bắt cơ hội, giải quyết thách thức để thúc đẩy phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đối với ngành dệt may, mà còn phải là mục tiêu chung của nhiều bên liên quan như: các nhãn hàng, các DN dệt may và các bên liên quan khác.
Xanh hóa để phát triển bền vững
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) – cho biết, đến nay Việt Nam đã cam kết tham gia thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu; Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại COP 21 năm 2015. Chính vì thế, ngành dệt may sẽ không nằm ngoại lệ để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững này.
“Ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019, đồng thời cam kết tuân thủ về mối quan hệ hợp tác gắn kết sự phát triển bền vững trong việc thực hiện chương trình xanh hóa ngành dệt may và tiết kiệm nguồn nước. Ngành sẽ tiếp tục xây dựng giải pháp về công nghệ và quản trị, xây dựng tầm nhìn trong chiến lược phát triển xu hướng hội nhập, phát triển trên cơ sở đánh giá nội lực của ngành dệt may Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung” – ông Giang chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – để thực hiện mục tiêu xanh hóa ngành dệt may từ phía các ngân hàng, các DN dệt may và các bên liên quan phải cùng cập nhật diễn biến mới nhất về việc ký kết các FTA, các quy định về bảo vệ môi trường trong ngành dệt may, các sáng kiến sản xuất sạch hơn và tài chính xanh cho ngành. Các DN cần chia sẻ kết quả kiểm toán ban đầu, nhu cầu phát triển các dự án sản xuất xanh trong ngành dệt may. Từ đó các DN hiểu rõ hơn về yêu cầu của các ngân hàng để việc tiếp cận tài chính xanh cho các dự án sản xuất xanh của ngành, hỗ trợ ngân hàng phát triển các chính sách, các gói tín dụng xanh góp phần xanh hoá cho ngành.
Đặc biệt ngành ngân hàng cũng cần tìm kiếm và cung cấp thêm các cơ hội tiếp cận tài chính cho các DN dệt may đang có kế hoạch chuyển đổi, nâng cấp hoặc đầu tư mới cho sản xuất sạch hơn đang khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính phù hợp. Ngành ngân hàng cũng đang thực hiện định hướng ngân hàng xanh, tín dụng xanh, tăng cường tài trợ cho các dự án xanh ngành dệt may.